Thứ Ba, 26 tháng 2, 2019

Tình trạng lộn xộn tại các trung tâm xuất khẩu lao động và du học

 Nói tới vấn đề việc làm thì không thế nhắc tới hoạt động xuất khẩu lao động, trong vài năm gần đây có nhiều công ty mọc ra làm về xuất khẩu lao động, tư vấn du học chưa được cấp phép đang làm cho người lao động mất phương hướng, thật giả lẫn lộn. Chính vì vậy đã có nhiều lao động đã phải trả giá khi mất những khoản tiền lớn nhưng vẫn không thể đi lao động nước ngoài được.

 Lực lượng chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý
Lực lượng chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Mới đây nhất, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra quyết định truy nã đối với Nguyễn Thị Kim Liên (trú ở phường Bắc Hồng, TX Hồng Lĩnh) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tin tưởng Liên, hơn 10 tỉ đồng của người dân đã bốc hơi theo giấc mộng.

Trước đó, tại Hà Tĩnh, nhiều vụ đổ bể trong hoạt động môi giới cung ứng xuất khẩu lao động hoặc du học đã xảy ra. Điển hình như vụ: Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần nhân lực quốc tế Việt tại Ninh Bình hứa hẹn với 8 lao động tại huyện Kỳ Anh, huyện Thạch Hà và thị xã Hồng Lĩnh đi làm việc tại Bồ Đào Nha và Singapore với tổng số tiền 40.500 USD. Bị cáo Hòa sau đó bị tuyên phạt 12 năm tù giam.

Vụ Phạm Tiến Phát - Giám đốc Công ty Tiến Phát lừa đảo 36 lao động đăng ký đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Australia với tổng số tiền hơn 4 tỉ đồng. Bị cáo Phát cũng đã bị tuyên phạt 16 năm tù giam...

Thực trạng lộn xộn trong hoạt động xuất khẩu lao động, tư vấn du học nở rộ như thời gian qua trước hết bắt nguồn từ công tác quản lý Nhà nước chưa thực sự chặt chẽ. Một bộ phận người lao động nhận thức, hiểu biết còn hạn chế, có tâm lý muốn thông qua các "đường dây" để được nhanh chóng xuất cảnh sang lao động bất hợp pháp ở thị trường có thu nhập cao…

Theo một số người từng đi du học thì các doanh nghiệp thường lợi dụng thủ tục du học đơn giản để đưa người ra nước ngoài với mục tiêu học là phụ, làm là chính, và đấy chính là cách tốt nhất để kích thích người lao động.

Các doanh nghiệp thường lợi dụng thủ tục du học đơn giản để đưa người ra nước ngoài  
Hai trong số nhiều doanh nghiệp lợi dụng thủ tục du học đơn giản để đưa người ra nước ngoài.

Anh Nguyễn Xuân Sơn, nguyên du học sinh tại Hàn Quốc, chia sẻ: “ Nhiều người chỉ mới có bằng tốt nghiệp THCS, họ vẫn làm được bằng THPT, miễn mình bỏ thêm chi phí. Đi du học sang học thì ít mà làm thêm thì nhiều, khoảng 85 – 90% là sang để đi làm”.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐTBXH đã phối hợp với Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra.

Qua kiểm tra, nhiều đơn vị chưa có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm theo Nghị định số 52 ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ, cũng như các giấy tờ liên quan khác. Đặc biệt có những đơn vị chỉ được cấp phép du học nhưng đã quảng cáo trên website, facebook, thậm chí treo biển và triển khai các hoạt động đưa người đi xuất khẩu lao động ngay tại trụ sở.

Theo tổng hợp của Sở LĐTBXH, đến thời điểm này, trên địa bàn Hà Tĩnh có 84 đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu lao động hoặc cung ứng xuất khẩu lao động, thế nhưng có đến 47 đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình không có chức năng nhiệm vụ nhưng vẫn tổ chức hoạt động cung ứng xuất khẩu lao động. Nhiều nhất là thành phố Hà Tĩnh, Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà, Cẩm Xuyên.

Trao đổi về vấn đề này ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng Lao động việc làm, Sở LĐ-TBXH Hà Tĩnh cho hay: “Các doanh nghiệp không nằm trên địa bàn mà chỉ mở văn phòng nên rất khó quản lý, những doanh nghiệp này lại tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Việc kiểm tra, thanh tra là rất khó, hơn nữa thẩm quyền xử lý, cấp phép,… các doanh nghiệp này thuộc Bộ LĐ-TBXH”.


theo báo Lao Động










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét