Xuất khẩu lao động vẫn đang là sự lựa chọn tốt nhất hiện nay, giải quyết được tình trạng việc làm cho hàng nghìn lao động Việt Nam. Bên cạnh các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần tiếp tục khai thác và mở rộng nhiều thị trường mới phù hợp, có điều kiện tốt và thu nhập cao hơn nữa cho người lao động.
Mức lương đi xuất khẩu lao động nhật bản
Theo Cục Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 10 năm 2018 là 14.548 lao động, gồm các thị trường: Đài Loan 5.373 lao động, Nhật Bản 8.078 lao động, Hàn Quốc 522 lao động, Malaysia 64 lao động, Romania 71 lao động, Algeria 102 lao động, Ả rập - Xê út 120 lao động, Kuwait 62 lao động và các thị trường khác.
Như vậy, trong 10 tháng đầu năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 116.675 lao động, đạt 106,07% kế hoạch năm 2018 và lao động vẫn chủ yếu tập trung ở thị trường Đông Bắc Á là chính.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đặt mục tiêu, ngoài việc giữ vững được một số thị trường truyền thống, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, xúc tiến đàm phán để tiến tới ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động với một số thị trường mới, như: Israel, Kuwait, Romania và Bulgaria... cũng như đẩy mạnh phát triển một số thị trường phù hợp, như: Lào, Thái Lan, Đức...
Từ năm 2015, Bộ Lao động Thái Lan và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác lao động và Thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động giữa hai nước. Theo đó, người lao động Việt Nam đi làm việc tại Thái Lan không phải trả tiền môi giới. Khoản tiền này sẽ do chủ sử dụng lao động Thái Lan trả cho công ty môi giới Thái Lan. Thị trường Thái Lan đang mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xây dựng, lao động kỹ thuật cao.
Với thị trường Đức, dự kiến ban đầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đưa thí điểm 2 khóa lao động cao đẳng có trình độ điều dưỡng sang làm việc tại nước này (khóa 1 có 76 học viên, khóa 2 là 103 học viên đã học xong và xuất cảnh). Từ kết quả này, bắt đầu từ năm 2018, phía Đức đã cam kết tăng số lượng tuyển chọn đối với cả 2 ngành là điều dưỡng viên và chăm sóc người già với chỉ tiêu lên đến 400 người/năm, điều này mở ra triển vọng rất lớn đối với việc đưa lao động là điều dưỡng viên của Việt Nam sang Đức làm việc nói chung và các thị trường khác nói riêng.
Hay tại thị trường Lào, hiện nước này đang trong giai đoạn phát triển nên cần khá nhiều lao động phổ thông và lao động có kỹ năng nghề nhằm xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng. Bên cạnh đó, Việt Nam và Lào có hợp tác rất nhiều trên phương diện hỗ trợ cũng như đầu tư khiến cho việc sang Lào làm việc được dễ dàng hơn. Lương khi đi làm việc từ thị trường này dao động từ 10-20 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, hầu hết các lao động Việt Nam sang làm việc tại thị trường này đều rất dễ thích nghi bởi chi phí tại đây khá rẻ, ngôn ngữ Việt được sử dụng khá thông dụng. Đây được coi là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam khi tìm kiếm và mở rộng thêm thị trường.
Trong khi đó, Bulgaria cũng là thị trường tiềm năng đối với lao động Việt Nam khi ở đây có nhu cầu cao về lao động thuộc các ngành nghề kĩ thuật, như: thợ điều khiển máy, thợ cơ khí, thợ hàn, thợ may công nghiệp... Mức lương cơ bản đối với lao động kỹ thuật đã qua đào tạo là từ 500 USD/tháng, nếu làm thêm giờ thì mức lương của lao động sẽ là 700-800 USD/tháng. Mức lương tại thị trường Bulgaria không phải là cao, nhưng nhu cầu của thị trường này khá lớn, yêu cầu tuyển dụng đối với lao động không cao.
Cùng với thị trường Bulgaria, thị trường Romania cũng được các doanh nghiệp đánh giá là thị trường tiềm năng đối với lao động Việt Nam. Theo đó, Romania đang có nhu cầu rất lớn về nguồn lao động nước ngoài làm việc trong ngành xây dựng, mộc, may công nghiệp và giúp việc. Đây đều là những công việc phổ thông, nên không yêu cầu bằng cấp, rất phù hợp với lao động phổ thông Việt Nam.
Tuy nhiên, đối với những thị trường có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt thì quy trình, thủ tục, các điều kiện tuyển dụng, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ của những thị trường này rất khắt khe.
Có thể kể đến thị trường Australia, với nhu cầu lao động cho khoảng 170 ngành nghề khác nhau từ nghề làm bánh, làm tóc, giết mổ gia súc đến chuyên gia kỹ thuật..., hàng năm nước này cần rất nhiều lao động người nước ngoài ở các dạng chuyên gia và lao động bán lành nghề.
Tuy nhiên để có thể
xuất khẩu lao động sang thị trường này thì cũng đòi hỏi lao động phải đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn khá khắt khe.
Cụ thể, lao động phải có nghề nghiệp đã được đào tạo cũng như chứng chỉ hoặc văn bằng chuyên môn phù hợp với yêu cầu công việc của chủ sử dụng.
Bên cạnh đó, lao động cần phải được xác nhận bằng văn bản của đơn vị mà lao động đã làm việc trong nước về kinh nghiệm làm việc. Đồng thời, trình độ tiếng Anh của lao động phải đạt tiêu chuẩn do Australia quy định (chứng chỉ được quốc tế công nhận). Đây được coi là điểm yếu nhất của lao động Việt Nam khiến các
doanh nghiệp xuất khẩu lao động rất khó tìm được nguồn.
Chính vì vậy, người lao động muốn đáp ứng được yêu cầu của các thị trường châu Âu, châu Úc... có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt, thì họ cần phải trau dồi kỹ năng nghề nghiệp cũng như trình độ ngoại ngữ./.
nguồn: tổng hợp